Trong vài năm trở lại đây, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đang là ngành học thu hút các bạn trẻ yêu thích khám phá, năng động và có đam mê lĩnh vực kinh tế. Đây là ngành học có nhiều cơ hội việc làm, đa dạng nghề nghiệp với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Cùng topformats.com tìm hiểu công việc cụ thể về ngành học này, học ở đâu, ra trường làm gì nhé!
Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì? Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh mới nghe qua vẻ như phức tạp và hơi trừu tượng một chút phải không nào. Để dễ hiểu hơn cho các bạn về ngành này, đầu tiên các bạn cần hiểu: “Logistics là gì?” và “quản lý chuỗi cung ứng là gì?” trước nhé:
- Logistics là một phần của Chuỗi cung ứng bao gồm những công đoạn: Lên kế hoạch, Thực hiện và Kiểm soát luồng chuyển dịch của hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan đến luồng chuyển dịch.
- Quản trị Chuỗi cung ứng (Supply Chain Management) là sự phối hợp của sản xuất, tồn kho, địa điểm và vận chuyển giữa bộ phận trong chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của thị trường.
Vậy ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành khoa học phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho đạt hiệu quả và tối ưu nhất. Nó bao gồm một chuỗi các hoạt động vận tải, cung ứng nguyên vật liệu, lưu kho bãi, xếp dỡ, làm thủ tục hải quan, quản trị tồn kho, dự trữ hiệu quả hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thông tin từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ,… và rất nhiều hoạt động khác.
Theo học ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, các bạn sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản lý chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển, kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng học trường nào?
Nếu bạn muốn tìm một ngôi trường đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng chất lượng thì có thể tham khảo một số trường dưới đây:
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, D90; Điểm chuẩn trung bình khoảng 15đ).
- Đại học Kinh tế TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, D07; Điểm chuẩn trung bình khoảng 27đ).
- Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01; Điểm chuẩn trung bình khoảng 25đ).
- Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01; Điểm chuẩn trung bình khoảng 17đ).
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, D90; Điểm chuẩn trung bình: 24-27đ).
- Đại học Kinh tế – Tài chính TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, C00; Điểm chuẩn trung bình: 19-24đ).
- Đại học Bách khoa TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01; Điểm chuẩn trung bình khoảng 26đ).
- Đại học Hàng hải Việt Nam (Ngành Logistics và Chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01; Điểm chuẩn trung bình: 25-26đ).
- Đại học Ngoại thương (Hà Nội) (Chương trình ĐHNNQT Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Điểm chuẩn trung bình: 28-31đ tùy vào phương thức xét tuyển).
- Đại học Thương mại (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Điểm chuẩn trung bình: 19,5-27,5đ tùy vào phương thức xét tuyển).
- Đại học Kinh tế Quốc dân (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, D07; Điểm chuẩn trung bình khoảng 28đ).
- Đại học Mở TP. HCM (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Khối: A00, A01, D01, D07; Điểm chuẩn trung bình 25-26đ).
Trên đây là một số các trường đại học lớn của Việt Nam có đào tạo ngành này. Và có các thông tin tuyển sinh như: thi khối gì, điểm chuẩn trung bình ra sao, để các bạn có thể tham khảo và định hướng chọn trường cho mình.

Học Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ra trường làm gì?
Như đã nói ở trên, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang có nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội việc làm rộng mở với mức lương hấp dẫn cũng như môi trường làm việc năng động, sáng tạo.
Một số vị trí việc làm đặc thù của ngành như sau:
- Chuyên viên kinh doanh dịch vụ vận tải: Tìm kiếm khách hàng, tạo mối quan hệ với khách hàng, tìm hiểu nhu cầu, giao dịch, lập hợp đồng thuê xe, xử lý khiếu nại,… (Mức lương: 7 – 10 triệu đồng/tháng).
- Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu: Khai thác, tìm kiếm khách hàng sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu, đàm phán, tư vấn về giá cả, quy cách giao nhận sản phẩm,… (Mức lương: 7 – 10 triệu đồng/tháng).
- Chuyên viên chăm sóc khách hàng: Giải đáp thắc mắc, khiếu nại cho khách hàng (Mức lương: 7 – 12 triệu đồng/tháng).
- Nhân viên chứng từ: Chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của chứng từ xuất/nhập khẩu, soạn thảo hợp đồng theo đúng thủ tục pháp lý,… (Mức lương: 6 – 8 triệu đồng/tháng).
- Nhân viên thu mua: Liên hệ đặt đơn hàng vận chuyển, theo dõi tiến độ nhận hàng, tiếp nhận khiếu nại, báo cáo hàng tồn kho,… (Mức lương: 10 – 15 triệu đồng/tháng).
- Nhân viên thanh toán quốc tế: Theo dõi chi tiết công nợ, làm hồ sơ thanh toán, kê khai thuế,… (Mức lương: 6 – 8 triệu đồng/tháng).
- Điều phối viên vận tải: Lên kế hoạch, sắp xếp các xe, quản lý tài xế, kiểm soát hóa đơn,… đảm bảo hàng được vận chuyển tiết kiệm chi phí và đúng với yêu cầu. (Mức lương: 6 – 10 triệu đồng/tháng).
- Nhân viên cảng: Sắp xếp, bố trí phương tiện, điều động nhân viên bốc xếp,… (Mức lương: 6 – 8 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, theo học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng khi ra trường, các bạn sinh viên có thể làm nhân viên vận hành kho, nhân viên hải quan, giảng viên ngành logistics…

Như vậy, bài viết này đã giải đáp những thắc mắc xung quanh câu hỏi ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì, làm gì và học ở đâu? Hy vọng các bạn sẽ hiểu hơn về ngành học này, để có những định hướng nghề nghiệp cho tương lai và chọn ngành học đúng với sở thích và mong muốn của mình.